Nước chủ nhà Qatar nỗ lực tiến tới một kỳ World Cup “trung hòa carbon” nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song thực tế những gì đã và sẽ diễn ra thì ngược lại hoàn toàn. Hãy cùng MANCLUB tìm hiểu những ảnh hưởng tiêu cực của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này đã tạo ra nhé.
Thảm họa sinh thái
Theo một báo cáo của FIFA vào tháng 6/2021, World Cup ở Qatar dự kiến sẽ phát thải 3,631 triệu tấn CO2, một con số vượt trội so với 3 kỳ World Cup trước đó (2,753 triệu tấn ở Nam Phi 2010, 2,7 triệu tấn ở Brazil 2014 và 2,167 triệu tấn tại Nga 2018).
Có một dữ liệu thống kê đủ để tóm tắt ảnh hưởng tồi tệ tới môi trường của kỳ World Cup 2022: tổng lượng phát thải carbon của 27 quốc gia châu Phi trong năm 2019 còn thấp hơn lượng phát thải trong một tháng diễn ra World Cup tại Qatar”, ông Julien Jreissati, giám đốc chương trình Greenpeace MENA (khu vực Trung Đông và Bắc Phi) cho biết.
Vào năm 2019, giải vô địch bóng đá nữ thế giới tại Pháp chỉ phát thải tổng cộng 340.000 tấn CO2, ít hơn mười lần so với con số dự kiến ở Qatar. “Con số thấp này là do chúng tôi chỉ tận dụng những gì sẵn có, không tốn công vào cải tạo hay xây mới cơ sở vật chất”, Delphine Benoit-Mayoux, thành viên ban tổ chức World Cup nữ tại Pháp lý giải.
Ở một giải thể thao lớn, việc xây mới các sân vận động chính là kẻ thù của môi trường khi tạo ra lượng phát thải CO2 ngoài kiểm soát. Tại EURO 2016 ở Pháp, 80% lượng phát thải CO2 đến từ việc xây mới 4 SVĐ.
Nhìn sang Qatar là một khác biệt khủng khiếp với cả 8 SVĐ đăng cai đều được xây mới hoặc cải tạo toàn diện. Điều này tạo nên mối nguy hại khổng lồ về môi trường với lượng phát thải carbon tăng đột biến. Nước chủ nhà World Cup 2022 trong một báo cáo đã khẳng định lượng phát thải CO2 an toàn trong một tháng diễn ra World Cup. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường đánh giá Qatar cố tình “đánh tráo khái niệm” trong việc tính lượng phát thải CO2 do xây dựng SVĐ. Thực tế theo các nhà khoa học, lượng phát thải carbon do xây dựng SVĐ trong một tháng World Cup chỉ chiếm 0,3% so với con số tổn hại thực tế mà nó tạo ra trong nhiều năm sau.
Cần biết đây chính là quốc gia dẫn đầu thế giới vào tháng 2/2022 về lượng phát thải CO2 tính theo đầu người. Một quốc gia có tác động xấu tới bầu khí quyền trái đất lại đứng ra tổ chức một kỳ World Cup có lượng phát thải carbon khổng lồ.
Thảm họa môi trường
Phía Qatar cam kết “họ đã xây những sân vận động có thiết kế sinh thái tốt nhất trên thế giới”. Cả 8 SVĐ đều được tối ưu trong việc tiết kiệm năng lượng với hệ thống điều hòa do chính Qatar phát triển, dự kiến một SVĐ chỉ có mức tiêu thụ năng lượng bằng 1/5 so với cảng hàng không cùng kích thước.
Các SVĐ đều có thể tháo lắp và tái chế. Nhằm phục vụ việc di chuyển cho các CĐV, nước chủ nhà World Cup đã đầu tư 700 xe năng lượng mới nhằm giảm khí thải ra môi trường. Tuyên ngôn của Qatar là họ sẽ tạo ra một kỳ World Cup “trung hòa về carbon” bằng giải pháp bù đắp carbon. Đây là giải pháp liên quan đến các dự án môi trường nhằm làm giảm hiệu ứng nhà kính trong khí quyển.
Các dự án trồng cây, làm xanh môi trường là chìa khóa trong chiến lược bù đắp carbon (hay còn gọi là tín chỉ carbon). Khi hoạt động của một đơn vị tạo ra một tấn carbon, họ sẽ phải chi trả khoản tiền đền bù tương ứng với lượng phát thải tạo ra. Không chỉ các doanh nghiệp mà cả chính phủ cũng vào cuộc để bù đắp carbon.
Cụ thể, BTC World Cup 2022 đã mua 1,8 triệu khoản đền bù carbon từ Hội đồng carbon toàn cầu (Global Carbon Council – GCC). Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 loại khỏi bầu khí quyển.
Dù vậy, những nỗ lực “trung hòa carbon” của Qatar đang bị đặt dấu hỏi lớn. World Cup 2022 dự kiến phát thải lượng CO2 lên tới 3,63 triệu tấn trong khi Qatar mới đạt được thỏa thuận mua bù đắp 1,8 triệu tấn từ GCC. Nhưng thực tế thì sao, mới chỉ có 0,14 triệu tấn được GCC phát hành cho phía Qatar. Ngoài ra có nhiều ý kiến từ các nhà khoa học tỏ ý nghi ngờ các dự án giảm phát khí thải CO2 bởi lẽ sử dụng sản phẩm công nghiệp vốn không được giới khoa học “xanh” chấp nhận.
Cách tốt nhất để bảo vệ môi trường không phải là “bù đắp carbon” mà là loại bỏ hoàn toàn việc phát thải carbon ra môi trường. Nhưng người Qatar lại đang bắn một quả đại bác vào bầu khí quyền trái đất.
Tác động xấu từ hàng không
Dự kiến lượng chuyến bay tại Qatar sẽ tăng đột biến từ 700 chuyến lên tới hơn 2000 chuyến mỗi ngày trong thời gian diễn ra World Cup. Các chuyên gia môi trường ước tính riêng các chuyến bay đã chiếm 50% lượng phát thải CO2, góp phần tạo nên thảm họa môi trường chưa từng có tại một giải đấu lớn.
World Cup 2022 cũng là giải đấu bùng nổ về dịch vụ hàng không do Qatar chưa có hệ thống phương tiện công cộng liên thông với các quốc gia láng giềng. Việc các CĐV phải di chuyển chủ yếu bằng máy bay đã làm tăng vọt số lượng các chuyến bay ở World Cup 2022.